Múa dân gian dân tộc đang ở đâu?

VHO- Là thực tế được TS.NSND Hà Thế Dũng nêu lên tại Hội thảo khoa học cấp Bộ Bảo tồn và phát huy múa dân gian vùng Nam Bộ trong tiến trình hội nhập do Trường Trung cấp Múa TP.HCM (Bộ VHTTDL) tổ chức cuối tuần qua. Chuyên gia cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy múa dân gian mỗi dân tộc có những nét đậm nhạt khác nhau, đồng thời có những khó khăn - bất cập. Do đó, việc nghiên cứu để tìm hiểu thực trạng và giải pháp phát huy loại hình nghệ thuật này là yêu cầu thực sự cấp thiết.

Múa dân gian dân tộc đang ở đâu? - Anh 1

Tiết mục múa dân gian dân tộc Chăm tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần thứ 6 năm 2020

 Khủng hoảng đội ngũ kế cận

NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm, Trưởng khoa múa Dân gian Dân tộc, Trường Trung cấp Múa TP.HCM nhấn mạnh, trong kho tàng múa dân gian Nam Bộ, nghệ thuật múa của người Việt, Chăm, Khmer được coi là nổi bật, tái hiện sinh động những đặc trưng văn hóa vùng đất nơi đây. Bởi vậy, Nhà nước và ngành đã có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị; đồng thời, trong chương trình đào tạo diễn viên múa, biên đạo múa, huấn luyện múa ở một số cơ sở cũng đã đưa vào giảng dạy nghệ thuật múa của ba tộc người này. Tuy nhiên, công tác triển khai những chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực trạng đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều điều cần bàn luận.

Tham gia công tác giảng dạy, nắm giữ vai trò quản lý đồng thời là chuyên gia am hiểu thị trường biểu diễn, TS.NSND Hà Thế Dũng tâm tư: “Gần 20 năm qua, chúng tôi nỗ lực quy hoạch chương trình, kế hoạch đào tạo, bộ khung chương trình múa dân gian dân tộc khá phong phú và các chương trình tốt nghiệp cũng khá nổi trội. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là ở chỗ, có rất nhiều cuộc thi đã và đang diễn ra, nhưng múa dân gian dân tộc không tìm thấy ở đâu, hoặc nếu có thì cũng rất ít và đều mang yếu tố đương đại”.

Khảo sát thực trạng truyền dạy chất liệu múa dân gian của người Việt, Chăm, Khmer trong đào tạo ở Trường Trung cấp Múa TP.HCM, NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm cho biết: “Chương trình học chất liệu múa của người Việt, Chăm, Khmer trong 3 ngành đào tạo Diễn viên múa, Biên đạo múa, Huấn luyện múa chưa xây dựng được giáo trình vừa mang tính tổng thể vừa mang tính cụ thể đi sâu vào những đặc trưng tiêu biểu. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt ngày càng gia tăng những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đào tạo, lý luận, sáng tác, đạo diễn, biên đạo... bởi đây là lĩnh vực nhiều gian truân mà thu nhập lại thấp, điều đó đã tạo nên sự khủng hoảng đội ngũ kế cận trong một thời gian dài”, nữ nghệ sĩ cho biết.

Cũng theo chuyên gia, thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên có bề dày kinh nghiệm đang dần vắng bóng, giáo viên trẻ thì ít đi thực tế đến các vùng đồng bào Chăm, Khmer để trải nghiệm các điệu múa dân gian trong đời sống văn hóa cộng đồng. Bởi vậy, họ thường giảng dạy theo kiểu thế hệ trước truyền nghề thế nào, nay dạy lại như vậy, chưa phản ánh đầy đủ tâm tư, tình cảm, tính cách, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của các chủ thể. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập khiến một bộ phận giáo viên chưa thực sự đam mê truyền dạy những giá trị tinh túy của múa dân gian đến với người học. “Khi giáo viên chưa đạt đến khả năng am hiểu sâu thì đào tạo các thế hệ kế cận chỉ đảm bảo về mặt động tác hoặc kỹ thuật. Học sinh cũng không mặn mà với múa dân gian, họ chỉ mong muốn tốt nghiệp để đi biểu diễn kiếm tiền chứ chưa có ước mơ, hoài bão đưa múa dân gian Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Còn biên đạo, huấn luyện múa cũng không thể khai thác trọn vẹn những đặc trưng riêng của múa dân gian để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao”, NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm tâm tư.

Du lịch cần sự nhập cuộc của văn hóa dân gian

Theo NSƯT Lương Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TP.HCM, nghệ thuật múa dân gian là nguồn tài sản vô giá của quốc gia, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trường Trung cấp Múa TP.HCM tiến hành tổ chức Hội thảo với mục đích làm rõ hơn các giá trị của nghệ thuật múa các dân tộc, các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong ứng dụng giảng dạy ở Trường Múa và trao truyền trong cộng đồng hiện nay. “Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trường Trung cấp Múa TP.HCM đã phối hợp với các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các tỉnh thành ở Nam Bộ tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt, Chăm, Khmer”, NSƯT Lương Xuân Thành cho biết.

TS.NSƯT Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho rằng, công nghiệp du lịch đang rất cần sự nhập cuộc của các ngành văn hóa, trong sự nhập cuộc này thì vai trò của múa dân gian cũng như diễn viên múa, biên đạo múa… là vô cùng quan trọng. Đánh giá về kết quả khảo sát đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Trường Trung cấp Múa TP.HCM, NSƯT Trần Văn Hải bày tỏ hoan nghênh ý tưởng, phương pháp triển khai thực hiện đề tài của nhóm tác giả. “Từ những nội dung trình bày kết quả khảo sát cho thấy, nhóm tác giả đã thực hiện công trình hết sức khoa học, có hiệu quả và cần thiết trong tiến trình hội nhập hiện nay. Qua công tác điền dã, sưu tầm và nghiên cứu, tôi thấy nhóm đã đi sâu vào thực tế bảo tồn, thông qua đánh giá thực trạng để đưa ra giải pháp phát huy”, NSƯT Trần Văn Hải nói.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều nhận định: “Bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc Việt Nam hiện nay đang có những khó khăn cả về nguồn lực con người và thực tế chúng ta vẫn thường ưu tiên hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ yếu… Chính vì vậy, Bộ VHTTDL cần kiến nghị Đảng, Chính phủ có những chính sách cụ thể, tích cực trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung và múa dân gian các dân tộc Việt Nam nói riêng, đồng thời tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác này”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc